Tin tức

Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói về ưu đãi của Chính phủ dành cho Mắc ca (macadamia)

Thứ Sáu,
06/06/2019
Đăng bởi Taybacmacca.com

 

 

Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014. Nghị định này được đánh giá sẽ tạo ra đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp. Dưới đây là quan điểm của Cố Phó Thủ tướng CP Nguyễn Công Tạn về vấn đề này.

 z

 

Cố Phó Thủ tướng CP Nguyễn Công Tạn kiểm tra rừng mắc ca tại Điện Biên.

Nghị định 210/2013/NĐ-CP được coi là một cú đột phá về khuyến khích tăng trưởng đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Nghị định cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Ông đánh giá như thế nào về sự tác động của Nghị định này tới dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, Nghị định 210/2013/NĐ – CP sẽ tác động mạnh tới việc tăng trưởng đầu tư vào nông nghiệp. Đầu tư vào nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả, lợi nhuận đối với đầu tư vào nông nghiệp của các DN, các nhà đầu tư cũng sẽ lớn hơn.

Theo Nghị định 210/2013/NĐ – CP, có rất nhiều cơ hội cho các DN và nhà đầu tư khi đầu tư vào nông nghiệp. Các DN, Nhà đầu tư khi xây dựng vùng nguyên liệu có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trước. Đối với các dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất. Tương tự, DN được giảm 70% tiền sử dụng đất đối với các dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các dự án nông nghiệp thuộc danh mục khuyến khích đầu tư. Ngoài các ưu đãi về đất đai, đầu tư vào nông nghiệp còn có rất nhiều ưu đãi về thuế, tài chính …

Thưa ông, với những chính sách ưu đãi như trên và bối cảnh hiện nay thì DN nên đi theo hướng nào để có thể dành được lợi thế lớn nhất?

Như tôi đã nói ở trên, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ngoài ưu đãi về tài chính, chính sách đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ… Điểm đặc biệt nhất trong Nghị định mới này có hẳn điều 12, hỗ trợ trồng cây dược liệu và cây mắc ca (macadamia).

Theo đó, các nhà đầu tư có dự án trồng cây dược liệu, cây mắc ca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắc ca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở … Như vậy trồng dược liệu và mắc ca sẽ là các loại cây được ưu tiên lớn.

Giá trị GDP nông nghiệp có thể lên tới 100 tỷ USD song sản xuất nông nghiệp hiện hiệu quả chưa cao. Theo ông nên bỏ vốn vào những dự án nông nghiệp như thế nào để thu được hiệu quả cao?

Đã đến lúc phải tái cơ cấu toàn diện để tạo đột phá mới cho ngành nông nghiệp. Chính sách đất đai phải chuyển từ sở hữu toàn dân hiện nay sang đa sở hữu. Tiếp đó, phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo được những chuỗi giá trị và phải chọn lựa được những sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Đối với đầu tư cần chú ý tới những điểm cơ bản như, thổ nhưỡng, khí hậu, hiệu quả kinh tế, thị trường tiêu thụ, khả năng phát triển quy mô lớn trên diện rộng…

Điều 12 của Nghị định 210/2013/NĐ-CP đã đề cập đặc biệt đến các ưu đãi cho phát triển cây mắc ca, tại sao mắc ca lại được đặc biệt quan tâm như vậy?

Cây mắc ca đã vào VN hơn 10 năm, triển vọng của mắc ca rất lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cứ 1 ha thu được được 15 ngàn USD/1 năm tương đương với 300 triệu đồng/1ha/1 năm. Nếu trồng trên diện tích lớn thì không cây nào đọ được với Mắc ca. Việt Nam sở hữu hai vùng khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây mắc ca là Tây bắc và Tây nguyên. Phải nói rõ là, những vùng khí hậu và thổ nhưỡng như thế này trên thế giới không có nhiều và Việt Nam có thuận lợi đặc biệt để phát triển cây mắc ca.

Trong tương lai, nếu trồng được 200 ngàn ha, mỗi năm thu được 3 tỷ USD tương đương với cây cao su và cà phê hiện nay. Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường rộng lớn, chịu rét, rất ít rủi ro so với nhiều loại cây trồng khó tính khác.

Lựa chọn đúng sản phẩm chủ lực, chính sách đất đai có giải pháp đột phá, phát huy 100% hiệu quả của khoa học, kỹ thuật, tôi tin rằng giá trị GDP nông nghiệp sẽ tăng lên 100 tỷ USD thay vì 20 tỷ USD như hiện nay.

Hiện nay cả nước trồng 1000 ha cây Mắc ca, trong đó 500 ha Nhà nước bỏ vốn, 500 ha do DN bỏ vốn. Tại Đắc Nông có Công ty Nữ hoàng Mắc ca đầu tư trên 1000 ha, tại Điện Biên có Cty Maccadamia Điện Biên do IDT đầu tư trồng 4000 ha và tại Lai Châu doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư trồng 10 nghìn ha. Trong 30 năm tới mắc ca sẽ đuổi kịp doanh thu của cà phê và cao su. Khi diện tích loại cây này được phủ rộng, tôi tin rằng sẽ làm thay đổi cục diện ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân thu hút lượng vốn đầu tư lớn cả trong và ngoài nước không chỉ đối với trồng mà còn trong các ngành chế biến làm gia tăng giá trị cho cây mắc ca. Đó là những lý do khiến chính phủ quan tâm đặc biệt đến loại cây này.

(Bài đăng trên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập – số tháng 3/2014)

Vị trí trang trại Mắc Ca